Bóng đá đang lãng phí những cái tên truyền thống

14:43, 21/08/2012

Trong guồng quay của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, trong hơn 10 năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, một vấn đề mà hàng triệu người hâm mộ bóng đá nước nhà đang rất quan tâm, đó là những đội bóng giàu truyền thống, được người hâm mộ yêu mến đã và đang mất dần. Một số địa phương, ngành từng có đội bóng được coi như niềm tự hào, kiêu hãnh của họ đã không còn và gần như không còn được nhắc tới trong đời sống bóng đá của cả nước.

Để xây dựng được một cái tên, một đội bóng như là một biểu tượng cho một địa phương hay một đơn vị nào đó là quá trình lâu dài, nó có sức thu hút mạnh mẽ người hâm mộ đến sân, dõi theo từng bước chân cầu thủ, đội bóng. Phải chăng trong cách làm bóng đá của chúng ta đã và đang lãng phí đi một thế mạnh, đó là làm mất đi một thương hiệu, một cái tên đã đi vào tâm thức của người dân.

 

Những ai yêu mến bóng đá - môn thể thao được yêu thích nhất hành tinh và cũng là ở Việt Nam đều từng được biết đến cái tên đội bóng lừng danh Thể Công. Đây là đội bóng không chỉ là niềm tự hào của lực lượng vũ trang, mà còn là niềm kiêu hãnh của bóng đá Việt Nam với tất cả người dân Việt Nam. Đội Thể Công đã từng là một đội bóng mạnh trong số các câu lạc bộ bóng đá của châu Á. Cho đến tận bây giờ Thể Công vẫn là đội bóng giàu thành tích nhất Việt Nam. Tiếc thay giờ đây đã qua nhiều mùa bóng cái tên Thể Công đã không còn trong đời sống bóng đá nước nhà. Trong “cơn lốc” của đồng tiền và cơ chế hoạt động của bóng đá chuyên nghiệp, đội Thể Công đã đi xuống và giải thể.

 

Cùng với cái tên danh tiếng Thể Công, những đội bóng tên tuổi khác như Hải Quan, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục đường sắt, Bưu điện cũng đã biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Một số đội bóng nhiều thành tích khác như: Nam Định, Thừa Thiên Huế, Cảng Sài Gòn cũng đang chìm đắm trong cuộc đua tranh của môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Hiện nay cả 3 đội bóng trên đang ngụp lặn tại sân chơi hạng nhì và không được mấy ai quan tâm.

 

Trong số 3 đội trên, đội bóng đá T. P Hồ Chí Minh với tiền thân là đội bóng đá Cảng Sài Gòn, một đội bóng được coi là biểu tượng của bóng đá Sài thành trong hàng thập kỉ đang có nguy cơ phải giải thể khi đã bị xuống hạng nhì. Nếu đội bóng này bị giải thể, những người yêu mến bóng đá Sài thành sẽ không có một đội bóng nào thực sự của mình để mà mến mộ, yêu thương.

Nhìn ra thế giới, tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển đều thấy rõ nhất một điều rằng họ rất coi trong việc xây dựng và gìn giữ một cái tên, một thương hiệu cho một đội bóng, coi truyền thống của đội bóng là sức sống, sự trường tồn cho một câu lạc bộ. Nhiều đội bóng đã qua hàng trăm năm, thay đổi rất nhiều ông chủ, nhưng cái tên của đội bóng vẫn không thay đổi. Vậy nên dù trong hoàn cảnh nào, đội bóng vẫn có được sự quan tâm, thông cảm và sẽ chia của người hâm mộ, và qua đó các nhà tài trợ vẫn có được nguồn thu từ đầu tư phát triển đội bóng. Điều này ở Việt Nam lại làm ngược lại. Khi đội bóng có nhà tài trợ mới họ lập tức thay tên, đổi họ đội bóng, thậm chí đội bóng có cái tên rất dài, khô cứng do có nhiều nhà tài trợ. Những cái tên mới ấy sẽ là lạ lẫm, vô cảm với người hâm mộ trong một thời gian dài. Phải chăng với cách làm khiên cưỡng, muốn có gặt hái tức thì của các nhà tài trợ, vô tình đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bóng đá nước nhà và hiệu quả đầu tư cho bóng đá của họ chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao.

 

Với những tư duy như trên nếu các nhà mạnh thường quân khi đầu tư cho bóng đá vẫn tiếp tục gìn giữ và tôn vinh những cái tên giàu truyền thống, có lẽ họ sẽ góp phần lớn hơn cho bóng đá Việt Nam phát triển và chính bản thân các nhà tài trợ cũng sẽ thu được nhiều kết quả hơn khi đầu tư cho bóng đá.