Đáng khen và đáng chê

18:08, 13/08/2012

Bóng đá Việt Nam đang trên đường chuyên nghiệp hóa, vì vậy mỗi một đội bóng không thể trở thành một tên tuổi lớn, một thương hiệu tồn tại trong số đông người hâm mộ khi họ thi đấu với tư tưởng của những cầu thủ nghiệp dư. Việt Nam đã có tới 11 mùa giải thực hiện bóng đá chuyên nghiệp, vậy mà vẫn còn những đội bóng, những cầu thủ thi đấu như những đội bóng làng xã.

Tại vòng 25, vòng đấu áp chót của V.League 2012 - giải thi đấu bóng đá đỉnh cao nhất Việt Nam - người hâm mộ cũng không khỏi có những băn khoăn về thái độ thi đấu của một số đội bóng. Nhiều người tự hỏi: Không biết đến bao giờ bóng đá Việt Nam mới thật sự có một giải đấu chuyên nghiệp, của những cầu thủ thật sự chuyên nghiệp?

 

Trước khi nói về những điều đáng chê trách, chúng tôi cũng xin được nêu một số đội bóng đã và đang thực sự là những đội bóng lớn, thi đấu với thái độ hết sức chuyên nghiệp, tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng khán giả. Tại vòng 25, vòng đấu có vai trò quyết định đến danh phận của nhiều đội bóng, người hâm mộ rất khen ngợi và trận trọng những gì mà đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đã thể hiện trên sân vận động Hàng Đẫy. Trong trận đấu này, đội chủ nhà Hà Nội T&T đang rất cần có được chiến thắng để sớm trở thành nhà vô địch, còn đội Hoàng Anh Gia Lai cũng không còn mục tiêu phấn đấu và đã trụ hạng. Do vậy, nhiều người nghĩ rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ thi đấu không đúng sức mình và dễ dàng dành… phần thua. Tuy nhiên, các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đã thi đấu với thái độ hết sức đáng khen ngợi, có tinh thần quyết thắng. Xem các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai thể hiện tài năng cũng như tinh thần quyết tâm cho thấy chất chuyên nghiệp của ban lãnh đạo đội bóng và các cầu thủ của họ đã đi đúng hướng trên con đường chuyên nghiệp hóa bóng đá, coi bóng đá là một nghề thực sự. Tỷ số cuối cùng đã phản ánh rõ sự sòng phẳng, trung thực của trận đấu: Các cầu thủ khách Hoàng Anh Gia Lai đã giành chiến thắng xứng đáng 3-1 trước đội chủ nhà.

 

Trong trận đấu khác, chủ nhà B.Bình Dương đã cầm hòa được Sài Gòn Xuân Thành - một đội bóng rất mạnh và đang cạnh tranh chức vô địch - với tỉ số 1-1. Sài Gòn Xuân Thành thì đang rất “khát” điểm để có thể đoạt chức vô địch, còn  B.Bình Dương cũng đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các cầu thủ B.Bình Dương đã không “buông” cho Sài Gòn Xuân Thành, họ thi đấu với khát khao chiến thắng và chỉ chịu cầm hòa trong một thế trận không hề thua kém. Sau trận đấu này, các cầu thủ B.Bình Dương đã nhận được sự khen ngợi của đông đảo khán giả nhà. Và, chính tinh thần thi đấu rất chuyên nghiệp của các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương đã góp phần mang lại sự hấp dẫn cho giải đấu. Hiện nay, cuộc đua đến chức vô địch V.League 2012 trở nên vô cùng hấp dẫn, cả 3 đội Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng và Sài Gòn Xuân Thành đều có cơ hội ngang nhau trong lượt trận cuối cùng.

 

Trái ngược với những điều đáng khen nêu trên, cũng tại vòng 25, một số đội bóng đã thi đấu với tinh thần, thái độ rất đáng chê trách. Bản thân các đội bóng đó chưa bao giờ là một đội bóng lớn, trong các cuộc chơi họ chỉ mong trụ hạng là đã quá thành công. Vậy nên khi đã trụ hạng, họ thi đấu như những cầu thủ cấp… làng xã, có thể chấp nhận thua đối thủ một cách dễ dàng ngay trên sân nhà. Họ thi đấu không cần đến vị thế của một đội bóng, một cầu thủ chuyên nghiệp. Cụ thể như trước đội Khánh Hòa đang “khát” điểm để trụ hạng, đội chủ nhà Thanh Hoá đang thi đấu rất tưng bừng bỗng nhiên… ỉu xìu và thua trận trước hàng nghìn khán giả nhà. Tương tự như vậy, khi đã an phận xuống hạng, đội Hải Phòng không hề cố gắng thi đấu vì khán giả và vì thể diện của đội bóng nên đã thua K.Kiên Giang (đang có nguy cơ xuống hạng) ngay trên sân nhà Lạch Tray. Còn SHB Đà Nẵng - đội đang có cơ hội giành ngôi vô địch - thì bất ngờ thua trận trước Đồng Tháp (đang đứng áp chót ở nhóm “cầm đèn đỏ”). Trong trận đấu này, theo nhận định của chúng tôi thì SHB Đà Nẵng đã không thi đấu với đội hình mạnh nhất, có tinh thần quyết tâm cao nhất trước một đội bóng yếu hơn về mọi mặt…

 

Trong một giải đấu chuyên nghiệp, điều đáng bị lên án nhất là tinh thần thi đấu thiếu tích cực, nhường điểm, bán độ. Đó cũng chính là nguyên nhân làm suy yếu một nền bóng đá. Nếu bóng đá Việt Nam không khắc phục được tình trạng thiếu chuyên nghiệp như trên thì sự tiến bộ trong tương lai gần chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trở ngại.