Thực hiện Hiệp định EVFTA: Tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức

08:13, 08/09/2020

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra “cánh cửa lớn” trong xuất khẩu hàng hóa đối với nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do những yêu cầu khắt khe của thị trường EU nên các DN cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải nắm bắt, tận dụng được từng cơ hội để vượt qua và phát triển bền vững. 

Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu

EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh (chiếm tỷ trọng 30,6%), với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Điện thoại thông minh, máy tính bảng; sản phẩm may; phụ tùng vận tải; giấy và các sản phẩm từ giấy; kim loại màu...

Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Đại Từ) là DN chuyên khai thác, chế biến sâu tinh quặng vonfram dùng để xuất khẩu sang châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Trung Đông. Trước thông tin Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, ông Võ Tiến Dũng, Giám đốc Đối ngoại Cộng đồng và Môi trường của Công ty chia sẻ: Không chỉ được hưởng ưu đãi giảm thuế đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như fluorspar cấp axít, vonfram mà quan trọng hơn là EVFTA sẽ tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại thị trường xuất khẩu tiềm năng; mở ra cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất với các tập đoàn trên thế giới để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm. 

 Sản xuất các sản phẩm hóa chất vonfram dùng để xuất khẩu tại Công ty TNHH Vonfram Masan (thuộc Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo). 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều năm qua, Công ty đã tập trung nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như cải tiến các dây chuyền vận hành. Đặc biệt,  tháng 6 vừa qua, Công ty TNHH Vonfram Masan đã hoàn tất việc mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của Tập đoàn H.C. Starck (Đức) - một trong số ít các công ty trên thế giới có nền tảng tái chế vonfram toàn diện và thân thiện với môi trường. Qua đó, giúp Công ty chủ động hơn trong việc tiếp cận, sử dụng và cải tiến công nghệ ở tiêu chuẩn thế giới. 

Còn đối ông Ngô Quang Phúc, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Vina Garment (đứng chân trên địa bàn xã Sơn Cẩm, T.P Thái Nguyên) cho biết: Ngoài các mặt hàng may truyền thống và nhờ có nền tảng công nghệ về sản xuất đồ bảo hộ y tế xuất khẩu, quý I/2020, Công ty đã nghiên cứu, sản xuất thêm khẩu trang y tế xuất khẩu sang các nước châu Âu. Các sản phẩm của Công ty phải tự chủ nguyên liệu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn trong nước về kiểm soát chất lượng đầu vào (IQC) và thử nghiệm của Viện Dệt may (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam). 

Cùng với những DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì các DN, hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn cũng đã bắt tay vào nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm với mong muốn có thể gia nhập được vào thị trường EU. Bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Giám đốc HTX chè Tân Hương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Từ tháng 8 cho đến nay, HTX đã đưa vào trồng thử nghiệm, sản xuất 2ha chè theo hướng hữu cơ, an toàn. Qua đánh giá, năng suất chè vẫn đạt tương đương nhưng chất lượng sản phẩm chè được nâng lên, vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất vừa góp bảo vệ môi trường. Đây cũng là một trong những tiêu chí cần thiết mà Hiệp định EVFTA đặt ra đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.  

Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía

Từ thực tế cho thấy, bên cạnh một số DN chủ động nắm bắt thông tin của Hiệp định EVFTA thì vẫn còn nhiều đơn vị chưa nắm rõ được các quy định, nhất là các tiêu chí để được hưởng các ưu đãi về thuế. Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Đúc Thái Nguyên cho biết: Mỗi năm, Công ty xuất khẩu từ 800-1.000 tấn sản phẩm đúc sang Hàn Quốc. Dù nghe nói đến Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị có sản phẩm xuất khẩu, nhưng tôi cũng chưa rõ là sản phẩm của mình khi muốn xuất khẩu sang EU thì cần đáp ứng được tiêu chuẩn, quy định như thế nào?

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vạn Xuân ở T.P Sông Công trăn trở: EU đòi hỏi rất cao về quy định xuất xứ sản phẩm, để đạt được các tiêu chuẩn đó thì các DN có quy mô nhỏ và vừa gặp rất nhiều thách thức. Bởi tất cả các khâu từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối đến quản trị nhân sự, đầu tư, đặc biệt là nguồn lực về tài chính... còn rất hạn chế. Do đó, DN rất cần đến sự định hướng, hỗ trợ từ các ngành chức năng trong việc tạo cầu nối giữa các đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực về chuyển giao khoa học công nghệ; liên kết, phụ trợ sản xuất lẫn nhau...

Trước những trăn trở của các DN, theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị các DN cần chủ động tìm hiểu Hiệp định thông qua việc tham gia các chương trình, hội nghị, khóa tập huấn về EVFTA do các cơ quan, đơn vị tổ chức; chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn. Bên cạnh đó, các DN cần phải chủ động và chuẩn bị các biện pháp đối phó với vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương... Đối với vai trò của ngành, hiện, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định và đang trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Sau khi kế hoạch được ban hành, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan. Đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo về thị trường xuất nhập khẩu, các yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước EU; tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, thu hút các DN có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với DN trong tỉnh, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức các hoạt động khảo sát, phân tích, đánh giá năng lực, những thuận lợi và khó khăn của các địa phương, DN trong việc thực hiện các cam kết và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA…