Xử lý ô nhiễm suối Ngàn Me -Thác Lạc: Cần có biện pháp mạnh hơn

08:02, 08/09/2020

Khoảng 3 năm trở lại đây, dòng suối Ngàn Me - Thác Lạc chảy qua địa phận xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) luôn nhuộm màu đỏ quạch. Vào mùa khô, lòng suối bị đóng đặc quánh bởi bùn đỏ.  Cũng vì thế mà nhiều năm nay, người dân ở khu vực này không thể sử dụng nguồn nước để phục vụ sản xuất như trước. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hoạt động tuyển rửa quặng của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị (Công ty CP Kim Sơn). Điều đáng nói là các cấp, ngành từ huyện đến tỉnh đã vào cuộc, yêu cầu dừng hoạt động nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn.

Có mặt tại công trường của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị, chúng tôi thấy dây chuyền tuyển rửa quặng đang hoạt động bên dòng suối Ngàn Me. Nước thải sau tuyển được xả thẳng xuống lòng suối. Ông Nguyễn Văn Mùi, người dân ở xóm Kim Cương, xã Cây Thị cho biết: Nhà tôi có hơn 1 sào ruộng cạnh con suối này. Trước đây, diện tích này gia đình thường gieo cấy 2 vụ lúa. Nhưng 3 năm nay, nước suối toàn bùn đỏ, bơm nước vào ruộng thì lúa cũng không sống được nên phải chuyển sang trồng ngô.

Gia đình ông Mùi chỉ là một trong hàng trăm hộ dân ở xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau bị ảnh hưởng từ hoạt động tuyển rửa quặng của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị. Qua khảo sát dọc theo dòng suối Ngàn Me - Thác Lạc, chúng tôi thấy, nhiều diện tích ruộng hai bên suối bị bùn tràn vào không thể gieo cấy nên người dân phải bỏ hoang hoặc chuyển sang trồng cây màu khác.

Ông Lê Khắc Hà, Tổ trưởng tổ dân phố số 1, thị trấn Trại Cau cho biết: Hàng chục năm nay, bà con chúng tôi vẫn dùng nước từ dòng suối này để phục vụ sản xuất. Vậy nhưng, 3 năm trở lại đây, suối bị bồi toàn bùn đỏ nên bà con không thể lấy nước để canh tác. Để khắc phục, chúng tôi phải tự đào các hố tích nước hoặc dùng máy bơm nước từ ao, chuôm về nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị các ngành chức năng sớm có giải pháp để bà con ổn định sản xuất.

Trước thực trạng trên, huyện Đồng Hỷ cũng như các ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc kiểm tra, đánh giá những ảnh hưởng từ hoạt động tuyển rửa của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị đến môi trường. Tại Kết luận thanh tra số 63/KL-STNMT ngày 10/6/2019 của Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) về việc chấp hành pháp luật về TNMT đối với đơn vị này đã nêu rõ: Chi nhánh chưa có đầy đủ hồ sơ sử dụng đất theo quy định (Quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh...); kết quả lấy mẫu giám định chất lượng nước thải có 3 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép; tuyển rửa quặng sắt, xả nước thải chưa xử lý đạt quy chuẩn ra suối Ngàn Me là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gây bồi đắp, ô nhiễm....

Mặc dù Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị bị yêu cầu dừng sản xuất nhưng đơn vị vẫn lén lút hoạt động, xả thải trực tiếp ra môi trường. 

Trên cơ sở đó, ngày 21/6/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1716/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị về hành vi xả thải vượt tiêu chuẩn ra môi trường, với mức xử phạt 300 triệu đồng. Đồng thời, buộc doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực; yêu cầu chấm dứt mọi hành vi xả thải vượt quy chuẩn ra môi trường... UBND huyện Đồng Hỷ cũng đã ban hành nhiều văn bản, đồng thời yêu cầu phòng chức năng của huyện phối hợp với các địa phương giám sát việc chấp hành thực hiện của doanh nghiệp, tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát (vào các ngày 27/8/2019, 17/3/2020 và ngày 23/3/2020), doanh nghiệp vẫn chưa nghiêm túc chấp hành, lén lút xả thải ra môi trường.

Mới đây, theo văn bản đề nghị của UBND huyện Đồng Hỷ về việc đề nghị xử lý nghiêm việc vi phạm của Công ty CP Kim Sơn, ngày 21/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 3226/UBND-CNN giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiên cứu, tham mưu, báo cáo tỉnh để xem xét, giải quyết theo đúng quy định.

Rõ ràng, hoạt động tuyển quặng của Chi nhánh Mỏ sắt Cây Thị đã gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực, tác động xấu môi trường và kéo dài trong nhiều năm qua. Các cơ quan chức năng cũng đã ra các quyết định xử phạt và yêu cầu đơn vị này khắc phục, nhưng đến thời điểm này, phía Công ty vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Đề nghị các cấp, ngành chức năng của tỉnh có biện pháp mạnh hơn nữa để chấm dứt tình trạng trên, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân nơi đây.