Mỗi bước đi lại gặp một niềm vui

Ký: Minh Hằng 15:23, 07/02/2024

Những ngày giáp Tết, trong khi nhiều người “ngập đầu” trong công việc, thì tôi lại nhẩn nha ngắm nghía, chiêm nghiệm và so sánh để thấy bước chân thời gian đã đi qua mảnh đất này như thế nào.

Cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên (đấu nối với Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: T.L
Cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu, nối tỉnh Bắc Giang với tỉnh Thái Nguyên (đấu nối với Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: T.L

Trở lại những nơi mình từng qua, từng yêu mến, từng lưu nhiều kỷ niệm, tôi bồi hồi như gặp cố nhân. Một trong những nơi như thế, phải kể đến huyện Phú Bình. Nhiều năm trước, “đặc sản” của Phú Bình là con đường liên tỉnh đất đỏ bụi mù khi trời nắng và lầy lội bẩn thỉu khi trời mưa. Nói đến Phú Bình người ta nhắc đến “lúa, lang, lạc, lợn” - những sản phẩm chính của vùng đất thuần nông này.

Về Phú Bình bây giờ, bày mâm cơm đãi khách, chủ nhà tự hào khoe: Đâu chỉ “lúa, lang, lạc, lợn”, tất cả các món trên mâm đều nằm trong “bản đồ” ẩm thực nổi tiếng không chỉ trong tỉnh. Này nham trám Hà Châu cuốn lá nhội chấm tương Úc Kỳ; này xôi nấu từ nếp cái Thầu Dầu, này gà đồi, bánh tẻ, này gạo J2, rượu ngâm cao ngựa bạch Dương Thành… mọi thứ đều từ đồng đất Phú Bình mà nổi danh toàn quốc.

Ngày trước đến Phú Bình, tôi rất thích đứng ngắm những cây cầu cong như nửa vầng trăng lơ lửng bắc qua sông Đào. Cầu có tuổi đời trăm năm, do người Pháp xây dựng cho những cánh thuyền buồm có thể “chui” qua. Nay người Phú Bình thêm vô vàn cầu mới qua sông Đào. Riêng năm 2023 có cây cầu đặc biệt vượt sông Cầu, nối hai bờ vui Xuân Phương và Nga My, nằm trên con đường Vành đai V huyết mạch. Con đường do Chính phủ đầu tư có 29km chạy qua địa phận Thái Nguyên, điểm đầu là Quốc lộ 37 thuộc thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), vượt sông Cầu vào đại lộ Đông Tây - Khu tổ hợp Yên Bình (TP. Phổ Yên). Nhiều dự tính về trường học, khu dân cư, siêu thị, nhà hàng đã hình thành bên con đường mới.

Trò chuyện với người dân Phú Bình, tôi nghe họ nói nhiều nhất về nông thôn mới. Đó không là khái niệm mơ hồ, mà hiển hiện bằng con đường bê tông rộng rãi hai bên hoa nở rực rỡ; là sản phẩm nông nghiệp OCOP bày bán trong siêu thị khiến nhà nông trở thành nhà đầu tư; là khái niệm sàn giao dịch thương mại điện tử; chuyển đổi số, quét mã QR và thu nhập tăng lên cho mỗi người.

Du khách tham quan Khu đô thị Việt - Hàn (TP. Phổ Yên).
Du khách tham quan Khu đô thị Việt - Hàn (TP. Phổ Yên).

Tôi theo đại lộ Đông - Tây đi từ Phú Bình sang thành phố trẻ Phổ Yên. Nơi này đang trở thành điểm đến của tour du lịch Hà Nội - Phổ Yên - TP. Thái Nguyên. Nhiều người bạn của tôi đã làm tour gọn ghẽ trong ngày, theo lộ trình: 8 giờ xuất phát từ Hà Nội, 9 giờ chụp ảnh tại Công viên kỳ quan thế giới thu nhỏ (Khu đô thị Việt - Hàn, TP. Phổ Yên), 11 giờ ăn trưa tại vườn Nhật (khu du lịch sinh thái Dũng Tân, TP. Sông Công), 14 giờ thăm làng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên), 16 giờ lên đường về Hà Nội. Tour liên tỉnh không cần thức khuya, dậy sớm, chi phí phù hợp với gia đình trẻ hoặc “các cụ” sống bằng lương hưu.

Nếu đến Phổ Yên vào ban ngày là có bộ ảnh “sống ảo” cùng những biểu tượng kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới (thu nhỏ) như: Đền thờ Taj Mahal (Ấn Độ), Cầu tháp London (Anh), Cung điện Mùa đông (Nga), tháp Ep-phen (Pháp)… thì Phổ Yên về đêm lộng lẫy với Công viên nhạc nước (Quảng trường Vạn Xuân), thảm ánh sáng lộng lẫy ở phố đi bộ và các shop thời trang rực rỡ ánh đèn.

Bạn tôi là Đặng Thị Hiền, giáo viên nghỉ hưu tha thiết mời các bạn về thăm Phổ Yên quê mình. Hiền tự hào đưa mọi người đi ăn lẩu cua đồng ở khu phố nhiều hàng ăn, quán cà phê có tiếng. Sau khi quy hoạch lên thành phố, nhà bạn có gần 100 mét bám mặt đường lớn, bỗng chốc trở thành tỷ phú. Cùng “đổi đời” như Hiền là nghệ sĩ Nhiếp ảnh Phan Bảo. Nhà anh trên tuyến phố đi bộ, tiền đền bù “rót” vào túi anh nghe nói gần chục tỷ đồng. Đưa chúng tôi đi thăm cây cầu nối hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên đang ở giai đoạn hoàn thiện, nghệ sĩ Phan Bảo tâm sự: Mình chẳng cần đi đâu xa, quê mình có nhiều nơi đẹp và đáng lưu lại, ví như cây cầu này chẳng hạn.

Từ Đông Cao, tôi theo đê Chã về làng nghề dâu tằm tơ Phú Cốc (xã Tân Phú). Chục năm trước, tôi đã ở đây nghe chuyện chăn tằm nuôi kén, chuyện trồng dâu trên bãi soi màu mỡ ven sông Cầu này. Phú Cốc hôm nay vừa quen vừa lạ bởi nghề tằm tơ hầu như đã lùi vào kỷ niệm. Con em Phú Cốc đa phần đi làm ăn xa hoặc trở thành công nhân các nhà máy, công ty ngay tại TP. Phổ Yên. Cổng làng xinh đẹp với hai hàng cau thẳng tắp. Ô tô vào ra tấp nập chứng tỏ đời sống của bà con đã khác xưa nhiều. 

Xóm Làng, xã Yên Đổ (Phú Lương) hiện có trên 100 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ - thương mại. Ảnh:T.L
Xóm Làng, xã Yên Đổ (Phú Lương) hiện có trên 100 hộ tham gia kinh doanh dịch vụ - thương mại. Ảnh:T.L

Rời vùng đất “cực Nam”, tôi mang niềm háo hức lên “cực Bắc”. Xã Yên Đổ (Phú Lương) xưa là nơi tôi thường lui tới. Những mảng đồi ngan ngát mùi hoa keo và ngập tràn màu xanh của cây, con đường đất gập gồ len lỏi và những mái nhà lợp lá cọ lúp xúp hai bên là hình ảnh khó quên với tôi. Yên Đổ lạ lẫm quá với đường nhựa to rộng, phẳng lì. Những ngã ba ngã tư hàng quán đông vui. Con đường thênh thang cứ thế dẫn tôi lên Phủ Lý. Vẫn sắc xanh phủ rợp, đường to rộng chạy giữa các thửa ruộng đang kỳ nghỉ ngơi nhàn hạ.

Dừng xe ở xóm Tân Chính, tôi hỏi chuyện một lão nông đang đứng ngắm đồng ngắm núi. Ông cho biết tên là Đặng Đình Đông, 71 tuổi. “Nhà tôi các cháu đều kinh doanh, có 7 cái xe tải, bán hàng liên tỉnh. Chị cứ nhìn nhà dân xây hai bên đường thì biết đời sống khấm khá thế nào. Tôi cũng có vài héc - ta rừng dưỡng già”. Chỉ thửa ruộng trước mặt, ông Đông kể: “Năm 1962, một chiếc máy bay lên thẳng đã hạ cánh ở đây, đưa Bác Hồ đến thăm Trường Thanh niên Lao động Xã hội Chủ nghĩa huyện Phú Lương. Dăm năm trước, huyện làm cây cầu treo chắc chắn cho mọi người vào nơi ghi dấu Bác Hồ đến thăm Trường, gần đó là Nghĩa trang liệt sĩ của xã Phủ Lý. Xã tôi và xã Yên Đổ là hai xã An toàn khu thời kỳ kháng chiến chống Pháp của huyện Phú Lương”...

Trong hành trình nhẩn nha chiêm nghiệm, tôi chứng kiến người dân xóm Nam Sơn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) chuyển dịch kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại khi con đường Động Lực chạy qua cửa. Tôi chứng kiến nhiều bác nông dân cao tuổi tự tin livestream bán hàng, giao dịch “không tiền mặt”; chứng kiến sự “lên ngôi” của các sản phẩm OCOP, VietGAP, hữu cơ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Thật hạnh phúc biết bao khi nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi bước tôi đi đều gặp một niềm vui...