Để sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tiếp nhận

Trịnh Phương 10:47, 10/04/2024

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, TP. Phổ Yên có 11 sản phẩm được xếp hạng 3 sao và 4 sao, trong đó, chủ yếu là chè, gạo, mật ong, dầu lạc. Thời gian qua, thành phố đã tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ, nhằm đưa nông sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng.

Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thương mại và chế biến nông sản Đức Nam, ở xóm Hạ Vụ 3, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) được đặt liền kề với khu vực sản xuất dầu lạc, thuận lợi cho việc tham quan, tìm hiểu của khách hàng.
Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thương mại và chế biến nông sản Đức Nam, ở xóm Hạ Vụ 3, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên) được đặt liền kề với khu vực sản xuất dầu lạc, thuận lợi cho việc tham quan, tìm hiểu của khách hàng.

Có mặt tại Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thương mại và chế biến nông sản Đức Nam, ở xóm Hạ Vụ 3, xã Vạn Phái, chúng tôi thấy các sản phẩm dầu lạc được bày trí phù hợp và khoa học. Ông Đinh Xuân Hưởng, Giám đốc Công ty, cho biết: Ngoài vị trí giao thông thuận lợi, điểm trưng bày của đơn vị còn được đặt liền kề với khu vực sản xuất, thuận lợi cho việc tham quan, tìm hiểu của khách hàng. Với sản phẩm chủ lực là dầu lạc Đức Nam đã được chứng nhận OCOP 3 sao, thông qua điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, kết hợp với các hình thức bán hàng trên mạng xã hội, bình quân mỗi năm, cơ sở xuất bán ra thị trường từ 65.000 - 70.000 lít dầu lạc.

Ngoài Điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và chế biến nông sản Đức Nam, từ năm 2019 đến nay, TP. Phổ Yên đã xây dựng trên 20 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các xã, phường. Các điểm này được đặt ở những vị trí thuận lợi, khu dân cư đông đúc; có bảng hiệu, biểu tượng, biển hiệu nhận diện theo hướng dẫn; có bố trí quầy tủ, kệ hoặc khu vực phù hợp để trưng bày, bán sản phẩm. Từ khi đi vào hoạt động, các điểm này đã góp phần hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, cũng như sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương trên thị trường.

Ông Trần Trọng Giang, ở xã Phúc Tân cho biết: Khi mua hàng tại các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương tôi rất yên tâm, bởi sản phẩm đều có tem mác, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và niêm yết giá bán rõ ràng. Nhiều năm nay, tôi đều đến các điểm này để lựa chọn sản phẩm làm quà biếu, tặng cho người thân vào các dịp lễ, Tết.

Cùng với xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm OCOP, thành phố cũng tích cực hỗ trợ tạo tài khoản, gian hàng, gắn thương hiệu trên sàn thương mại điện tử. Năm 2023, 6 sản phẩm OCOP của thành phố được hỗ trợ đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Voso.vn và Postmart.vn), với hơn 250 lượt giao dịch. Đó là các sản phẩm: Lộc trà thượng hạng, mật ong “Tinh túy hoa nhãn”, Tâm trà của xã Phúc Thuận; gạo chất lượng cao ADI28 của phường Đắc Sơn; Trà nõn Công Tâm của xã Minh Đức; Gạo đặc sản Phổ Yên PY RICE-VNR20 của phường Ba Hàng. Ngoài ra, thành phố cũng đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức tuyên truyền, tập huấn về thương mại điện tử và kỹ thuật livestream bán nông sản trên mạng xã hội cho hơn 20 hộ sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin mùa vụ trên cây lúa, cây chè tại các vùng sản xuất tập trung…

Anh Thạch Thọ Công, Giám đốc Hợp tác xã chè Công Tâm Minh Đức, cho biết:  Việc nhận đơn đặt hàng qua zalo, facebook, gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử đã trở thành công việc thường xuyên của Hợp tác xã, giúp hoạt động kinh doanh của đơn vị ngày càng hiệu quả. Với 3 sản phẩm chính gồm: Trà nõn Công Tâm, trà đinh Công Tâm và trà móc câu Minh Đức, năm 2023, Hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường trên 40 tấn chè thành phẩm. Với giá bán dao động từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg, doanh thu của đơn vị đạt trên 5 tỷ đồng/năm.

Cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm chè luôn được Hợp tác xã chè Công Tâm Minh Đức chú trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói sản phẩm chè luôn được Hợp tác xã chè Công Tâm Minh Đức chú trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, giai đoạn 2021-2023, TP. Phổ Yên cũng tạo điều kiện cho hơn 30 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ thiết kế, in bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm OCOP với kinh phí gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của thành phố cũng hỗ trợ thực hiện 2 dự án liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị tại xã Minh Đức và Phúc Thuận, với kinh phí gần 1 tỷ đồng…

Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế TP. Phổ Yên: Qua rà soát, đánh giá, sản phẩm OCOP trên địa bàn đã đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận góp phần nâng cao giá trị, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn, từ đó, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Trên cơ sở này, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư lập website, fanpage, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, giúp việc tiếp cận thị trường nhanh, hiệu quả hơn.

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá cho sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm, thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã khi cung ứng ra thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận, mở rộng thị trường…